image banner
Kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Lượt xem: 732
Qua 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đến nay tỉnh đã tiếp tục trồng mới diện tích rừng phòng hộ được 74,4 ha, nâng tổng số đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 9.006,22 ha gồm: Rừng tự nhiên: 2.960,80 ha; rừng trồng: 6.045,42 ha (trong đó rừng trồng đã thành rừng: 5.461,25ha, rừng trồng chưa thành rừng: 584,17 ha) góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh từ 3,3% năm 2016 lên 3,6% năm 2018. Về cơ cấu loài cây trồng: Rừng tự nhiên 2.960,80 ha chiếm 32,87% tổng diện tích rừng (gồm: Bần 1.131,26 ha, hỗn giao ngập mặn 1.829,54 ha); Rừng trồng 6.045,42 ha, chiếm 67,13% (gồm: Phi lao 424,68 ha; Bần 1.221,50 ha; Đước 2.116,15 ha; Dừa nước 69,16 ha và hỗn giao ngập mặn 2.213,93 ha).

Theo đó, kết quả trồng rừng thay thế để khôi phục lại diện tích rừng bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, từ năm 2017 đến nay, tỉnh trồng rừng thay thế được 61,8 ha, cụ thể: Phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang thi công xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, quy mô thực hiện trồng 31,905 ha, đạt 100% kế hoạch; Dự án Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang thi công Luồng tàu biển có trọng tải lớn vào Sông Hậu, quy mô thực hiện trồng 29,9 ha, đạt 100% kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, là nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được thực hiện thường xuyên, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của chính quyền các cấp, cộng đồng và người dân sống ven rừng; công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng được tăng cường, kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế tình trạng chặt phá, mua bán, cất giữ, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh; việc lựa chọn cơ cấu cây trồng khá phù hợp với từng điều kiện lập địa của từng địa phương, cải tiến chất lượng cây giống và đổi mới quy trình kỹ thuật trồng rừng phù hợp với điều kiện thực tế. Tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây rừng khá tốt góp phần ổn định môi trường sinh thái khu vực và duy trì hệ sinh thái đặc trưng vùng rừng ngập mặn ven biển. Bên cạnh đó, sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng (Kiểm lâm, Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh) và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, với kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trước khi có Chỉ thị 13-CT/TW chủ yếu là nhiệm vụ của chính quyền thực hiện công tác quản lý nhà nước, chưa huy động mạnh mẽ cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia chung tay thực hiện. Diện tích rừng của tỉnh chủ yếu nằm ven biển, hàng năm đều bị sạt lở mất diện tích đất rừng và rừng tập trung ở các vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến công tác tuần tra bảo vệ rừng, từ đó đôi lúc còn xảy ra một số vụ vi phạm làm thiệt hại rừng,...
Nguyên nhân tồn tại trên chủ yếu do công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện: Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường, công tác chỉ đạo khôi phục rừng hàng năm gặp nhiều khó khăn; công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ bảo vệ rừng còn thấp nên chưa đủ để người dân gắn bó với rừng; dân cư sống trong và ven rừng do đời sống còn khó khăn nên vẫn thường xuyên lén lút vào rừng khai thác củi để bán. Việc lấn đất rừng nuôi tôm diễn ra thường xuyên gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ đó, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức và hoạt động cụ thể, kết hợp tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt chi bộ; hội nghị của các cơ quan, đơn vị và trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cơ quan, tổ chức, địa phương đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và bảo vệ tốt các hệ sinh thái ngập nước ven biên, ven sông…                             

                     
Nguyễn Náo (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 711
  • Tất cả: 1879316