image banner
Kết quả 3 năm phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh (2017 - 2019)
Lượt xem: 603

Trong 3 năm (2017 - 2019), diện tích nuôi, diện tích bị dịch bệnh và thiệt hại; kết quả giám sát dịch bệnh của tỉnh được cụ thể theo từng năm như sau: Năm 2017, tổng diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh trên toàn tỉnh bị thiệt hại là 710,76ha, chiếm 23,27% trên tổng số diện tích nuôi là 3.053,91ha; diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại là 995,25ha, chiếm 17,58% trên tổng số diện tích nuôi là 5.658,59ha. Năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh trên toàn tỉnh bị thiệt hại là 643,68 ha, chiếm 20,49% trên tổng số diện tích nuôi là 3.142 ha; diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại là 1.223,08 ha, chiếm 18,75% trên tổng số diện tích nuôi là 6.525,85 ha. Năm 2019, tổng diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh trên toàn tỉnh bị thiệt hại là 911,3 ha, chiếm 27,61% trên tổng số diện tích nuôi là 3.299 ha; diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại là 1.465,03 ha, chiếm 18,44% trên tổng số diện tích nuôi là 7.942 ha.

Ao nuôi của hộ dân - Trà Vinh

Kết quả chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, dự phòng hóa chất thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, cụ thể: Năm 2017, dự phòng nguồn hóa chất Chlorine là 120 tấn (Bao gồm: 90 tấn Chlorine từ nguồn dự trữ Quốc gia, mua 30 tấn chlorine từ nguồn ngân sách của tỉnh), triển khai cấp phát cho các vùng nuôi đã xảy ra dịch bệnh để xử lý mầm bệnh, cải tạo môi trường trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Năm 2018, dự phòng nguồn hóa chất Chlorine là 120 tấn (Bao gồm: 90 tấn từ nguồn dự trữ Quốc gia, 10 tấn từ nguồn dự phòng năn 2017 và 20 tấn được mua từ nguồn Ngân sách cấp năm 2018), triển khai cấp phát cho các vùng nuôi đã xảy ra dịch bệnh để xử lý mầm bệnh, cải tạo môi trường trên địa bàn nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Năm 2019, dự phòng và cấp 150,795 tấn hóa chất Chlorine (Tồn năm 2018 chuyển sang là 70,795 tấn, 60 tấn từ nguồn dự trữ Quốc gia và 20 tấn mua từ nguồn Ngân sách) đến các vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh để dự trữ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên diện rộng.

Kết quả hỗ trợ xuất khẩu thủy sản, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất, vùng an toàn dịch bệnh và giám sát vùng nguyên liệu thủy sản: Công tác giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh được triển khai và thực hiện trên 30 hộ nuôi tôm, 10 cơ sở sản xuất giống tại các vùng nuôi trọng điểm, hướng tới công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu về dịch bệnh của các nước xuất khẩu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Thu 116 mẫu gộp (22 mẫu tôm giống, 94 mẫu tôm thương phẩm) phân tích các mầm bệnh nguy hiểm như đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp (AHPND), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), đầu vàng (YHV), taura (TSV), đã phát hiện 02 mẫu dương tính với AHPND, 02 mẫu dương tính với IHHNV và đã hướng dẫn các hộ nuôi xử lý theo quy định không để lây lan mầm bệnh… Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản vẫn còn tồn tại khó khăn, hạn chế, như: Ý thức của một số người nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế: Khi có dịch bệnh xảy ra không kịp thời khai báo; hệ thống thú y chưa được xây dựng hoàn chỉnh theo quy định, thiếu lực lượng thú y xã, phường, thị trấn dẫn đến cập nhật tình hình dịch bệnh, thủy sản chết bất thường và chế độ báo cáo chưa đầy đủ, chưa kịp thời; các hộ nuôi trên địa bàn đa số có quy mô nhỏ, hệ thống trang thiết bị đơn giản, sản xuất không ổn định và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên khi triển khai xây dựng các cơ sở nuôi, vùng nuôi an toàn dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn; giá cả thị trường không ổn định, một số đối tượng thủy sản giảm sâu, gây bất lợi cho người nuôi, làm thua lỗ nên người nuôi không đầu tư, không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh…

Vì vậy, để công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh đã kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ nguồn hóa chất từ nguồn dự trữ Quốc gia để giúp địa phương chủ động xử lý mầm bệnh, cải tạo môi trường vùng nuôi thủy sản; kiến nghị đến Cục Thú y ban hành và hướng dẫn cho địa phương các quy trình thực hiện phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả (đối với các dịch bệnh mới xảy ra); tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh tôm nuôi phục vụ xuất khẩu; đặc biệt, xây dựng cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh.

                                                                                     NN (NN)

 

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 60
  • Trong tuần: 768
  • Tất cả: 1879311