image banner
Hội thảo khoa học“Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển, tạo động lực phát triển bền vững ĐBSCL" tại Trà Vinh
Lượt xem: 728

Sáng ngày 14 - 01, tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học “Khai thác tiềm năng kinh tế biển, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức trong dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh, do ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chủ trì.

Tham dựcóPhó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam, thành viên Ban Cố vấn Thủ tướng Chính phủ, các Nhà Quản lý, Nhà Khoa học, cùng vớiLãnh đạo các Sở, ngành tỉnh, Lãnh đạo UBND các huyện - thị xã và thành phố,…

Quang cảnh hội thảo

Trong bối cảnh hiện nay, biển và kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là không gian sinh tồn truyền thống mà còn là không gian chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, sự ổn định về quốc phòng - an ninh. Nhận thức tầm quan trọng của biển và kinh tế biển, Tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển. Đặc biệt, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”và hơn 01 năm thực hiệnNghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu và có điều kiện thuận lợi, khách quan để phát triển kinh tế biển, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ riêng của Trà Vinh mà còn các tác động lớn đối với sự phát triển ổn định của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnhTrà Vinh cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, Trà Vinh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh giữ vững tốc độ tăng trưởng hằng năm đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long với tốc độ bình quân 12,06%, riêng năm 2019 tăng trưởng GRDP đạt 14,85%. Đến nay, quy mô nền kinh tế toàn tỉnh đạt 59.636 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người 59,09 triệu/người/năm (xếp thứ 3, sau Long An và Cần Thơ).Kinh tế biển đã phát triển tương đối đều các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, năng lượng tái tạo, hạ tầng công nghiệp, du lịch.... Đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ven biển đóng góp 59,75% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh.

Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm trên cơ sở khoa học về vai trò, hiệu quả kinh tế biển đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Trà Vinh nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung. Đồng thời, đưa ra những cơ sở khoa học về tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế biển so với khu vực; đặc biệt, khẳng định vai trò trung tâm của cảng Định An, nhất là sau khi có công trình trọng điểm Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu được đưa vào khai thác.

Tại hội thảo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển đã trình bày tham luận “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030”. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp được xác định nhằm phát triển bền vững kinh tế biển theo các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rất lớn trong khai thác, phát triển có hiệu quả sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vấn đề đặt ra trong thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, cần phải chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề sạt lở, cũng như xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Chú trọng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đối với Trà Vinh vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế biển, đó là nghiên cứu, xác định những lĩnh vực kinh tế ưu tiên gắn với khoa học công nghệ hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn đã khẳng định rõ nét tiềm năng của Trà Vinh trở thành cửa ngõ giao thương cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ góc độ logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Trà Vinh có các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đã và đang nằm trong hầu hết các quy hoạch quan trọng của vùng, ngành và Trung ương, như: Trung tâm điện lực Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu kinh tế Định An. Bước đầu triển khai các giải pháp cụ thể phát triển hệ thống logistics, khởi công xây dựng khu bến cảng tổng hợp Định An vào tháng 7-2019.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn nhấn mạnh: những tham luận của các nhà khoa học sẽ góp phần giúp tỉnh Trà Vinh hoàn thiện cơ sở khoa học, đánh giá khách quan tiềm năng và vai trò của kinh tế biển. Với những tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, Trà Vinh có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển của khu vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Chuyên viên KSTT


Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 60
  • Trong tuần: 768
  • Tất cả: 1879311