image banner
Kết quả sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo tỉnh Trà Vinh năm 2019
Lượt xem: 2273

Năm 2019, về sản xuất, lúa được xác định là cây trồng chính của tỉnh với diện tích đất trồng lúa khoảng 91 ngàn ha chiếm 62% diện tích sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng năm 2019  là 224.348 ha, năng suất 5,59 tấn/ha, sản lượng  đạt 1,254 triệu tấn. Về cơ cấu mùa vụ và kỹ thuật sản xuất lúa: Đã có sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu; từng bước chuyển đổi từ giống lúa có chất lượng trung bình sang giống lúa chất lượng cao và mở rộng dần diện tích sản xuất lúa hữu cơ và lúa sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường. Về lượng giống sử dụng đã có thay đổi đáng kể trước đây bình quân 01 ha lúa nông dân sử dụng từ 200-250 kg lúa giống để gieo sạ nhưng đến nay nông dân đã giảm lượng giống sử dụng xuống còn 100-150 kg/ha, có gần 70% diện tích áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) và có trên 60% diện tích áp dụng các quy trình sản xuất canh tác bền vững (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ướt khô xen kẻ, SRI, sản xuất hữu cơ,...); áp dụng cơ giới hóa: 100% ở các khâu làm đất, bơm tát nước, thu hoạch; 80% ở các khâu gieo sạ, phun thuốc, vận chuyển và khoảng 40% khâu sấy lúa góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hao hụt từ 13% xuống còn dưới 10%.

Thu hoạch lúa của hộ dân, huyện Tiểu Cần

Về tình hình tiêu thụ: hiện nay lượng lúa thương phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh phân phối ngoài tỉnh, ước khoảng 80% sản lượng thông qua hệ thống thương lái từ các tỉnh như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ,… các thương lái tổ chức thu mua lúa trực tiếp của nông dân sau đó bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp sơ chế, chế biến để phục vụ tiêu thụ nội địa. Còn lại sản lượng khoảng 20% được tiêu thụ trong tỉnh, chủ yếu thông qua doanh nghiệp xay xát lúa gạo trong tỉnh và các đơn vị phân phối lúa, gạo phục vụ thị trường nội địa (tại các chợ, hệ thống bán sỉ, bán lẻ đến người tiêu dùng) hoặc sơ chế cho một số doanh nghiệp ngoài tỉnh. Lượng lúa tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết sản xuất với các công ty, doanh nghiệp năm 2019 còn rất thấp, ước khoản 29.672 tấn chiếm 2,2 % sản lượng lúa cả năm của tỉnh. Cụ thể:

- Huyện Châu Thành: Liên kết với Công ty Lục Bảo Sài Gòn thực hiện diện tích 98,5 ha/115 hộ tại xã Long Hòa và Hòa Minh. Công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV, cuối vụ thu hồi vốn và thu mua sản phẩm.

- Huyện Cầu Ngang: Liên kết với công ty Đại Dương Xanh và Công ty Viosa thực hiện diện tích 90 ha/100 hộ tại xã Hiệp Hòa, Mỹ Hòa và Vinh Kim. Công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV, cuối vụ thu hồi vốn và thu mua sản phẩm.

- Huyện Tiểu Cần hỗ trợ cho các HTX xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vi sinh, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần đầu tư thương mại Quốc tế Âu Lạc, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt, diện tích liên kết 1.020 ha, năng suất bình quân 6,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 7.632 tấn. HTX nông nghiệp Huyền Hội (Càng Long) xây dựng mô hình khuyến nông gắn với liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các HTX với quy mô 100 ha; HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (Châu Thành) ký hợp đồng với HTX Nông sản xanh Cần Thơ diện tích 70 ha; HTX nông nghiệp Dân Tiến và Phú Cần (Cầu Kè) liên kết với Công ty Mỹ Lan sản xuất - tiêu thụ lúa theo quy trình canh tác thông minh quy mô 105 ha.

- Sản lượng lúa liên kết tiêu thụ với Công ty Lương thực Trà Vinh năm 2019 ước khoản 20.000 tấn.

Nhìn chung, mặc dù năm 2019 tình hình xâm nhập mặn và thiếu nước tưới nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến năng xuất và sản lượng lúa của tỉnh, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nổ lực của ngành chuyên môn và các địa phương đã giúp tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của tỉnh đạt được nhiều thắng lợi nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì khó khăn gặp phải là: hiện tại tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu mối thu mua, sơ chế, chế biến và xuất khẩu lúa, gạo. Công ty Lương thực Trà Vinh những năm trước đây có tổ chức thu mua lúa phục vụ chế biến xuất khẩu, có hệ thống kho bãi, có đủ các phương tiện và điều kiện để tổ chức liên kết vùng sản xuất lớn, tuy nhiên hiện nay không còn xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng và là vệ tinh cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, nên sản lượng lúa mà công ty mua của dân còn thấp; Hiện tai, một số doanh nghiệp thu mua lúa gạo chưa tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, không trực tiếp thu mua lúa của dân mà qua thương lái, nên người trồng lúa dễ bị ép giá,… cùng với các giải pháp cấp bách để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, thì đây là những vấn đề nan giải mà tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ, để giúp ngành trồng lúa của tỉnh tiếp tục đạt thắng lợi trong những năm tiếp theo.                                                                                   

 

                                                                                NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 1 444
  • Tất cả: 1878567