image banner
Kết quả sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020
Lượt xem: 1357

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT thì 6 tháng đầu năm 2020, đối với cây hàng năm, gieo trồng 149.072 ha (đạt 53,53% KH), thấp hơn cùng kỳ 28.138 ha, trong đó: Cây lúa, gieo trồng 116.896 ha (đạt 52,32% KH), thấp hơn cùng kỳ 28.328 ha; đã thu hoạch 46.133 ha, đạt 65,97% diện tích gieo trồng (mất trắng 16.587 ha), năng suất trung bình 4,83 tấn/ha thấp hơn cùng kỳ 1,72 tấn/ha, sản lượng 223.041 tấn, giảm 240.849 tấn (vụ Mùa 2.263 ha, năng suất thu hoạch 3,94 tấn/ha, sản lượng 8.722 tấn; vụ Đông Xuân 43.919 ha, năng suất thu hoạch 4,88 tấn/ha, sản lượng 214.319 tấn). Diện tích nhiễm sâu bệnh 1.955 ha, gồm: Bệnh đạo ôn lá 665 ha, lem lép hạt 663 ha, sâu cuốn lá 372 ha, ốc bươu vàng 155 ha, bệnh bạc lá 125 ha, rầy nâu 05 ha và một số đối tượng gây hại khác với tỷ lệ thấp và diện tích nhỏ; rau màu và cây ngắn ngày khác, gieo trồng 32.176 (đạt 58,45% KH) cao hơn cùng kỳ 190 ha, gồm: Màu lương thực 3.749 ha, màu thực phẩm 18.420 ha, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 10.006 ha. Đã thu hoạch 24.494 ha, năng suất 23,87 tấn/ha, (giảm so cùng kỳ 0,92 tấn/ha), sản lượng 584.760 tấn, (giảm so cùng kỳ 38.629 tấn).

Đối với cây lâu năm, tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có 41.757 ha, tăng 0,15% so với cùng kỳ, trong đó: Cây ăn trái, trồng mới 256 ha, chủ yếu là từ diện tích đất trồng lúa chuyển sang, nâng tổng số toàn tỉnh có 18.040 ha (đạt 97,51% KH) với các loại cây có diện tích tăng mạnh như: Thanh long, bưởi da xanh, cam, chuối,… diện tích cho trái 15.705 ha, sản lượng thu hoạch 141.510 tấn (đạt 53% KH) tăng 6,58% so cùng kỳ; cây dừa, cải tạo, trồng mới trên 139 ha, hiện toàn tỉnh có 23.195 ha (vượt 3,1% KH), diện tích cho trái 19.433 ha, sản lượng 142.600 tấn (đạt 48,72% KH) cao hơn cùng kỳ 11.283 tấn.

Cây ăn trái, trồng mới 256 ha, chủ yếu là từ diện tích đất trồng lúa chuyển sang

 (Ảnh. Cam trĩu quả ở Cầu Kè - Trà Vinh)

Nhìn chung, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, tăng cường công tác dự tính, dự báo nên diện tích sâu bệnh gây hại không nhiều, mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Vụ Hè Thu ước 6 tháng gieo trồng 54.176 ha (đạt 72,24% kế hoạch) thấp hơn cùng kỳ 20.228 ha, do khô hạn và ngộ độc phèn làm thiệt hại 1.310 ha lúa mới xuống giống trên địa bàn một số xã của các huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành và Trà Cú; hiện nông dân đã sạ lại lần 2 được 1.280,4 ha; mặn xuất hiện sớm hơn cùng kỳ nhiều năm và xâm nhập vào nội đồng từ cống Tân Dinh, Bông Bót thi công chưa hoàn thành gây ảnh hưởng trà lúa Mùa gieo sạ muộn, cùng với nắng nóng, khô hạn gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân, trong đó mất trắng 16.538 ha, làm giảm năng suất 19.850 ha; nắng nóng, mặn xâm nhập, mực nước trong các kênh nội đồng xuống thấp, gây khó khăn cho sản xuất nên nông dân giảm diện tích. Ngoài ra, giá mía năm 2019, 2020 ở mức thấp, vùng nguyên liệu mía đường huyện Trà Cú và Tiểu Cần tiếp tục giảm mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng làm ảnh hưởng chung đến diện tích, năng suất, sản lượng rau màu và cây ngắn ngày khác của toàn tỉnh, nhiều hộ trồng mía trên địa bàn huyện Trà Cú đã chuyển sang trồng dừa, cây ăn trái và nuôi thủy sản và nông dân sử dụng giống mới, cải tiến kỹ thuật, chăm sóc tốt vườn cây ăn trái nên năng suất đạt khá cao. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ sản xuất nông nghiệp còn chậm, chưa phát triển được nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; chưa tuân thủ tốt lịch thời vụ sản xuất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong điều kiện biến đổi khí hậu theo khuyến cáo của ngành…

Vì vậy, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là tập trung chỉ đạo sản xuất vụ lúa Hè Thu, chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh lịch xuống giống lúa vụ Thu Đông 2020 đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch; rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm; hỗ trợ các HTX xây dựng dự án liên kết sản xuất, đồng thời tiếp tục mời gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm trên các loại cây trồng. Tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có thị trường tiêu thụ và hiệu quả cao hơn; tập trung cải tạo giồng tạp, vườn tạp và cải tạo, trồng mới cây ăn trái và cây dừa kém hiệu quả, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao. Tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao, phù hợp với vùng sinh thái, kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Nâng cao năng lực giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu, bệnh trên cây trồng, không để phát sinh thành dịch. Kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với quy định…

                                                                                   NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 1140
  • Trong tuần: 15 236
  • Tất cả: 1865686