image banner
Kết quả sản xuất cây ăn trái của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2020
Lượt xem: 1440

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT thì trong 9 tháng đầu năm 2020, đối với tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có 41.250 ha, tăng 1,66% so với cùng kỳ, bao gồm: cây ăn trái được trồng mới 766,19 ha, chủ yếu là từ diện tích đất trồng lúa chuyển sang, nâng tổng số toàn tỉnh có 18.050 ha (đạt 97,57% KH), các loại cây có diện tích tăng mạnh, như: Thanh long, bưởi da xanh, cam, chuối,… diện tích cho trái 15.795 ha, sản lượng thu hoạch 221.610 tấn (đạt 83% KH), tăng 4,84% so cùng kỳ, do nông dân sử dụng giống mới, cải tiến kỹ thuật, chăm sóc tốt vườn cây ăn trái nên năng suất đạt khá cao; cây dừa đã cải tạo, trồng mới trên 221,11 ha, hiện toàn tỉnh có 23.200 ha (vượt 3,11% KH), diện tích cho trái 19.438 ha, sản lượng 235.492 tấn (đạt 80,51% KH) cao hơn cùng kỳ 11.092 tấn, trong đó có 271,341 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn ở mức độ thiệt hại từ 30 - 70% là 31,279 ha và trên 70% là 240,062 ha.

Ảnh. Cây con dừa dâu ở Trà Vinh

Riêng đối với rau màu và cây ngắn ngày khác đã gieo trồng 42.724, đạt 77,61% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 1.837 ha), gồm: Màu lương thực 4.785 ha, màu thực phẩm 26.524 ha, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 11.416 ha. Đã thu hoạch 38.072 ha, năng suất 24,38 tấn/ha (giảm so cùng kỳ 1,38 tấn/ha), sản lượng 928.247 tấn (giảm so cùng kỳ 94.481 tấn), do ảnh hưởng của khô hạn, mặn xâm nhập và dịch Covid-19 làm thiếu nước tưới và thị trường tiêu thụ gặp khó khăn nên diện tích gieo trồng giảm. Ngoài ra, giá mía nguyên liệu ở mức thấp nên diện tích trồng mía trọng điểm của 02 huyện Trà Cú và Tiểu Cần tiếp tục giảm mạnh làm ảnh hưởng chung đến việc thực hiện kế hoạch phát triển sản xuấtmàu và cây ngắn ngày khác năm 2020.

Nhìn chung, do kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp và giồng tạp chậm tại một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt; việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với chế biến, tiêu thụ còn chậm và mưa giông gây đổ ngã cây ăn trái làm thiệt hại sản xuất của người dân…

Vì vậy, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới về sản xuất cây ăn trái của tỉnh là phải cải tạo, trồng mới cây ăn trái và cây dừa kém hiệu quả từ nay đến cuối năm khoảng 550 ha để trồng một số loại cây ăn quả có lợi thế như bưởi da xanh, xoài, cam sành, quýt đường, thanh long ruột đỏ,… và cây dừa cao sản, cây dược liệu gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng thị trường, tập trung phát triển ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc tốt vườn cây ăn trái và cây dừa hiện có trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn; tập trung rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến cây trồng; duy trì và phát triển các loại cây ăn trái và cây dừa đạt chứng nhận VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; tập trung xây dựng các mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển các loại màu có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng thị trường, tập trung phát triển ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

                                                                                   NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 41
  • Trong tuần: 1 461
  • Tất cả: 1878584