image banner
Kết quả thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và Chương trình cho vay theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ
Lượt xem: 1015

Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một số sản phẩm hàng hóa có lợi thế, như sau: Về lĩnh vực trồng trọt, đã có 200 ha lúa hữu cơ đạt 4 chứng nhận EU (Châu Âu), USDA (Mỹ), AB (Pháp) và JAS (Nhật Bản) tại xã Long Hòa, Hòa Minh huyện Châu Thành; 142 ha sản xuất rau an toàn (trong đó khoảng 20 ha sản xuất rau thủy canh: Cty CP giống cây trồng TV, TP TV) 103 ha sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận GAP (thanh long ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc và cam sành); 689 ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ EU (Châu Âu) và JAS (Nhật Bản); 70 ha dừa sáp đạt chứng nhận VietGAP. Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840 ha trên cây màu (đậu phộng, dưa hấu, bí đỏ). Sử dụng phần mềm quản lý sâu bệnh PPDMS 2.0; ứng dụng công nghệ viễn thám “GIS” trong công tác dự tính dự báo; Xây dựng 10 hệ thống bẫy đèn thông minh trên địa bàn tỉnh nhằm theo dõi tình hình côn trùng trên lúa, tăng cường theo dõi côn trùng trên cây ăn trái, rau màu.

Mô hình trồng dưa lưới ở xã Lương Hòa A, Châu Thành

Về lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học trong việc bình tuyển, chọn lọc, lai cải tạo các giống gia súc lớn, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện giống bò, heo. Cụ thể: Cải tạo và nâng cao 95% tầm vóc đàn bò vàng địa phương từ các giống bò Sind, Zebu, Brahman, Charolais, Red Sindhi (bê lai sinh ra có giá trị tăng thêm khoảng 50% so với bê địa phương); Giống đàn heo 100% sử dụng giống lai kinh tế (tăng khoảng 5% trọng lượng so với trước). Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên gà đạt 100% (nuôi nệm lót sinh học); Xây dựng hơn 8.000 công trình hầm ủ biogas, chiếm khoảng 20% tổng số hộ chăn nuôi heo; Ứng dụng bộ KIT để phát hiện nhân chất cấm salbutalol trên đàn gia súc; Ứng dụng vaccine trong phòng, trị bệnh trên gia súc, gia cầm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, newcastle...).

Về lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có khoảng 9.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ nuôi thâm canh, trong đó có khoảng 200 ha nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao; 01 doanh nghiệp sản xuất cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 05 ha. Đã vận động ngư dân lắp 171/262 thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên biển theo Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Ngoài ta, tỉnh đang thực hiện ứng dụng, chuyển giao các quy trình ứng dụng công nghệ sinh học (nuôi tôm càng xanh toàn đực; nuôi tôm thẻ đạt chứng nhận VietGAP). Trong sản xuất giống thủy sản: Có 01 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thông Thuận) đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao quy mô 05 tỷ con post/năm ở xã Trường Long Hòa, Duyên Hải.

Đồng thời, tỉnh có 02 doanh nghiệp đang triển khai thực hiện dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, gồm Công ty TNHH Solorgon thực hiện nuôi trồng vi tảo kết hợp điện mặt trời và Công ty CP Rynan Agrifoods thực hiện nhà máy nghiên cứu, sản xuất phân bón thông minh.

Đối với Chương trình cho vay theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ, tình hình sử dụng nguồn vốn tín dụng 100.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với kết quả như sau: Năm 2017, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 49.994 triệu đồng với 01 tổ chức còn dư nợ (lãi suất cho vay 8%/năm); năm 2018, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 45.000 triệu đồng với 01 tổ chức còn dư nợ (lãi suất cho vay 8%/năm); năm 2019, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 22.500 triệu đồng với 01 tổ chức còn dư nợ (lãi suất cho vay 10%/năm).

Nhìn chung, hoạt động KHCN đã triển khai đúng nội dung và đạt kế hoạch đề ra. Các  đề tài, dự án nghiên cứu KHCN bám sát mục tiêu Nghị quyết và đảm bảo tính khoa học và tính  thực tiễn cao, ứng dụng hiệu quả tiến bộ KHCN vào sản xuất cho bà con nông dân. Nhiều đề tài, dự án đã có giá trị khoa học rất lớn được ứng dụng vào thực tế góp  phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện  đại hóa. Kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng từng bước giúp nâng cao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất các giống cây trồng  (mô hình dừa sáp cấy phôi, hoa cấy mô, đinh lăng lá nhỏ), vật nuôi mới (sản xuất  nhân tạo giống tôm thẻ chân trắng, các giống bò ngoại cao sản,…), hỗ trợ doanh nghiệp từng bước đưa KHCN vào sản xuất, tạo sản phẩm cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

                                                                                     NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 44
  • Trong tuần: 752
  • Tất cả: 1879295