image banner
Kết quả phát triển các nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 1138
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thì về thực trạng phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thì hiện tỉnh có 12.215 cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia ra 05 nhóm: có 4.585 cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, chiếm 37,54%; 28 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, chiếm 0,23%; 3.172 cơ sở sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, chiếm 25,97%; 87 cơ sở sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh, chiếm 0,71% và 4.343 cơ sở về các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn, chiếm 35,55%. Về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn của các địa phương, hiện các ngành nghề nông thôn đang duy trì và sản xuất ổn định, tổng giá trị sản xuất là 1.813,97 tỷ đồng, thu nhập bình quân của một lao động trong các cơ sở ngành nghề nông thôn từ 3,3- 6 triệu đồng/người/tháng; tổng số lao động tham gia trong các cơ sở ngành nghề nông thôn khoảng 34.733 lao động, trong đó lao động thường xuyên, chiếm 80,40% và  toàn tỉnh hiện có 13 làng nghề được công nhận, gồm: 02 làng nghề hoa kiểng, chiếm 15,38%; 07 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, chiếm 53,85%; 04 làng nghề chế biến thực phẩm, chiếm 30,77%. Tổng số hộ gia đình sản xuất kinh doanh trong làng nghề là 4.593 hộ. Trong làng nghề có 07 doanh nghiệp, 25 tổ hợp tác, 04 hợp tác xã tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề. Hàng năm thu hút khoảng 10.080 lao động, trong đó lao động thường xuyên 4.403 lao động, lao động thời vụ 5.677 lao động. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang được duy trì và sản xuất ổn định, tổng doanh thu đạt 544 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các lao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Ảnh. Sản phẩm từ lục bình

Riêng về công tác bảo vệ môi trường của làng nghề thì trong 13 làng nghề trên địa bàn tỉnh chỉ có 03 làng nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư, đó là: Làng nghề khai thác chế biến thủy sản thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang); làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long); làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải). Qua rà soát, nắm thông tin về sản xuất, kinh doanh và đánh giá ô nhiễm môi trường cho thấy hiện trạng môi trường tại 03 làng nghề này luôn chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường tại nơi sản xuất. Tình hình xử lý chất thải rắn/rác trong làng nghề: Chất thải rắn/rác của các cơ sở trong làng nghề được thu gom vận chuyển về bãi rác tập trung tại xã. Nhìn chung hiện trạng làng nghề tiểu thủ công nghiệp không có hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhân dân có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường nơi sản xuất cũng như nơi sinh hoạt.

Nhìn chung, các chủ thể làng nghề, ngành nghề nông thôn tiếp cận chính sách về hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; các làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu là phát triển theo hướng tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ hầu hết các cơ sở sản xuất còn ít vốn, trang thiết bị chưa được đầu tư. Do vậy chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa mới, đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường; lao động tại các làng nghề ít được đào tạo bài bản theo trường lớp, phần lớn chủ yếu lao động thủ công do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ sản xuất; kinh phí đầu tư còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tế để duy trì và phát triển ngành nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân, theo Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn quy định mức hỗ trợ tối đa 50% trên dự án, các chủ thể làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia dự án phải đối ứng 50% giá trị máy móc, thiết bị, trong khi nguồn vốn của các làng nghề, ngành nghề nông thôn còn hạn chế, nên không có khả năng đối ứng để được hỗ trợ máy móc, thiết bị; trình độ của người lao động còn thấp, thiếu kỹ năng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tiếp cận tốt với thị trường; đối với các làng nghề truyền thống hiện nay hoạt động chủ yếu dựa trên “kinh nghiệm cha truyền con nối”, gây không ít khó khăn trong công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động tại các làng nghề. Các cơ sở thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, thiếu vốn đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của làng nghề…

Vì vậy, trong thời gian tới một số làng nghề cần được đầu tư hỗ trợ để duy trì và mở rộng phát triển như: làng nghề Tiểu thủ công nghiệp (chiếu lát, Thảm dừa, lục bình) xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, cần hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề như: Nâng cấp tuyến đường vào làng nghề; Hỗ trợ kinh phí xây dựng cổng chào Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ, thực hiện tuyến đường hoa chiều dài 02 km để gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng. Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, cần hỗ trợ lớp đào tạo nghề đan đát cho làng nghề; hỗ trợ máy vuốt nang tre để nâng cao năng suất lao động cho làng nghề. Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp xã Đại An, huyện Trà Cú, cần hỗ trợ thành lập hợp tác xã làng nghề; Hỗ trợ xây dựng cổng chào làng nghề và tuyến đường hoa làng nghề chiều dài 01 km để gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng…

                                                                                   NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 706
  • Tất cả: 1879311