image banner
Trà Vinh: Đề xuất dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi cua biển thương phẩm để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cua lột
Lượt xem: 725
Ngày 07/4/2021, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi cua biển (Scylla paramamosian) thương phẩm để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cua lột tại Tỉnh Trà Vinh

Ảnh. Sản phẩm cua lột

Theo đó, mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển (Scylla paramamosian) để sản xuất giống và nuôi cua biển thương phẩm sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cua lột phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần tạo sinh kế, tạo đối tượng nuôi mới có giá trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh, cụ thể: Chuyển giao và tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi cua biển thương phẩm; xây dựng mô hình sản xuất cua giống quy mô 1.000.000 con giống/năm, kích cỡ 1 - 1,5 cm/con. Tỷ lệ sống từ giai đoạn Z1 đến cua bột  ≥ 10%, từ cua bột đến cua giống  ≥ 70%. Quy mô sản xuất: mô hình sản xuất giống có diện tích bể ương khoảng 500 m3. Bao gồm: 25 bể có thể tích 7,26 m3/ bể (2,2 x 2,2 x 1,5 m); 4 bể có thể tích 52,5 m3/bể và 4 bể composite tròn 20 m3/bể; xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm quy mô 10 ha, năng suất 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ, kích cỡ 50 - 70 gam/con, thời gian 50 - 60 ngày/vụ, Tỷ lệ sống đạt ≥ 50%; đào tạo được 5 kỹ thuật viên thành thạo quy trình sản xuất cua giống và nuôi cua thương phẩm; tập huấn kỹ thuật nuôi cua biển thương phẩm cho 100 nông dân trên địa bàn.

Với các nội dung chủ yếu của dự án là khảo sát lựa chọn địa điểm và chọn hộ dân tham gia mô hình; xây dựng mô hình sản xuất giống với quy mô 1 triệu con giống/năm tại tỉnh Trà Vinh; xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm dùng để làm nguyên liệu nuôi cua lột tại tỉnh Trà Vinh; Đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho người dân.

Về tính cấp tính cấp thiết của dự án, Cua biển là loài nuôi trồng thủy sản đầy triển vọng do sự tăng trưởng nhanh và khả năng chấp nhận và giá cả của thị trường tốt. Đây là loài được coi là loại đặc sản bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng vi lượng và vitamin nên được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Cua biển có tiềm năng xuất khẩu tốt, đặc biệt là cua lột. Thịt cua lột có hàm lượng đạm rất cao. Sự phát triển sản phẩm cua lột, cả cho thị trường trong và ngoài nước, cũng tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân rất nhiều.

Trà Vinh là tỉnh có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, dù trong nhiều năm qua tình hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh tại vùng nước mặn và lợ năm 2020 gặp nhiều bất lợi do thời tiết khô hạn, môi trường nước độ mặn tăng cao nhưng nghề nuôi cua biển vẫn cho hiệu quả bền vững. Nhờ cua biển dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, rất ít xảy ra dịch bệnh nên mỗi năm có thể nuôi từ 2 - 3 vụ cua biển (tùy theo vùng nuôi). Điều này giúp người nuôi cua có được nguồn thu nhập khá cao, có thể đạt lợi nhuận từ 130 - 150 triệu đồng/ha/năm. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương, nhưng có ưu thế về tính an toàn hơn so với với nuôi tôm vốn dễ gặp nhiều rủi ro dịch bệnh.

Nhiều năm nay, nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã chọn cua biển làm đối tương nuôi chủ lực để thay thế cho 1 hoặc 2 vụ nuôi tôm, nhằm hạn chế sự rủi ro việc nuôi tôm 3 vụ trong năm. Do đó, diện tích nuôi cua không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2020 toàn tỉnh đã thả nuôi cua biển được 18.480 ha, tăng hơn 5.000 ha so năm trước, tổng sản lượng cua biển nuôi trong tỉnh thu hoạch được trên 71.000 tấn. Dù nghề nuôi cua biển đã phát triển mạnh ở tỉnh, nhưng nhu cầu về con giống tại tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng mà chủ yếu là nguồn con giống nhập từ các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Thuận.

Như vậy, sản lượng nuôi cua biển của tỉnh là khá lớn, với nhu cầu tiêu thụ cua lột hiện nay của thị trường thì việc xây dựng mô hình nuôi cua nguyên liệu để phục vụ sản xuất của lột tại địa bàn tỉnh có tính khả thi cao. Xuất phát từ yêu cầu khoa học và thực tiễn, dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi cua biển (Scylla paramamosian) thương phẩm tại Tỉnh Trà Vinh sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi cua thương phẩm tại tỉnh Trà Vinh phát triển nhanh hơn và bền vững, đồng thời tạo hướng đi mới trong việc cung cấp cua nguyên liệu phục vụ sản xuất cua lột, là thực phẩm đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng hiện nay. Với sự tham gia của doanh nghiệp, dự án sẽ tạo ra nhiều ra việc làm cho cộng đồng nhờ vào liên kết chuỗi.

                                                       NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 62
  • Trong tuần: 1 482
  • Tất cả: 1878605