image banner
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 19/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020
Lượt xem: 938
Toàn tỉnh hiện có 15.880 cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, với khoảng 45.732 lao động, tạo ra giá trị sản lượng 3.272,9 tỷ đồng, tốc độ phát triển giá trị sản xuất tăng trung bình hàng năm 8,9%, cụ thể: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Có 6.539 cơ sở, tăng 1.398 cơ sở, với 15.521 lao động, tăng 3.227 lao động, tạo ra giá trị sản lượng 2.009,2 tỷ đồng, tăng 540,4 tỷ đồng, gồm các ngành nghề như: Xay xát gạo, nấu rượu, bánh bún hủ tiếu - bánh tét, bánh kẹo, chế biến sản phẩm từ đậu, chế biến sản phẩm từ thịt, giết mổ gia súc - gia cầm, chế biến thủy hải sản, sản xuất nước đá - nước uống, chế biến - bảo quản rau, củ, quả.  Sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ: Có 40 cơ sở, tăng 10 cơ sở, với 251 lao động, tăng 64 lao động, tổng giá trị sản lượng 13,41 tỷ đồng, tăng 2,85 tỷ đồng. Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ: Có 4.693 cơ sở, tăng 700 cơ sở, với 14.003 lao động, tăng 2.229 lao động, tạo ra giá trị sản lượng 575,9 tỷ đồng, tăng 124,7 tỷ đồng, gồm các ngành nghề như: se sợi tơ xơ dừa, đan đát, than tổ ong, than gáo dừa, đồ gỗ và mộc gia dụng, đóng xuồng ghe, may mặc, cơ khí, sản xuất gạch, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu khác. Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh: Có 107 cơ sở, tăng 07 cơ sở, với 218 lao động, tăng 104 lao động, tổng giá trị sản lượng 19,16 tỷ đồng, tăng 5,01 tỷ đồng. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn: Có 5.971 cơ sở, tăng 1.545 cơ sở, với 15.739 lao động, tăng 3.725 lao động, tổng giá trị sản lượng tạo ra 661,3 tỷ đồng, tăng 156,4 tỷ đồng, gồm các ngành nghề như: xây dựng, vận tải, sửa xe, dịch vụ khác.

Ảnh. Làng nghề chổi cọng dừa - Trà Vinh

 

Về công tác quy hoạch gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, hiện tại các vùng sản xuất cung cấp đầy đủ nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến nông, lâm, thủy sản như: Sản lượng lúa bình quân đạt 934,134 nghìn tấn/năm; cuối năm 2020, đàn heo 190.330 con, đàn gia cầm 8.457 triệu con, đàn bò 214.139 con, đàn dê 21.500 con; thủy sản phát triển khá toàn diện cả nuôi trồng và khai thác, giai đoạn 2015 - 2020 tổng sản lượng đạt 1.145,8 nghìn tấn (bình quân 229.161 tấn/năm).

Về công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết quả có 09 hợp đồng được ký kết phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp của Campuchia; Công ty Cổ phần Trà Bắc ký hợp đồng xuất khẩu than nén với doanh nghiệp của Myanmar; 07 bản ghi nhớ và cam kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp Lào và doanh nghiệp Việt Nam và đã hỗ trợ 52 lượt cơ sở, doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá các sản phẩm của các làng nghề tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ 41 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; 05 đợt chương trình bán hàng bình ổn giá.

Nhìn chung, qua triển khai, thực hiện Nghị quyết 22, lĩnh vực ngành nghề nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực và hiệu quả; giúp cho các cá nhân và tổ chức tham gia ngành nghề, làng nghề định hướng, lựa chọn được những ngành nghề phát triển và phù hợp với điều kiện của từng làng nghề, ngành nghề nông thôn, từ đó sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Triển khai tốt các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề nông thôn (chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng; ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ; đổi mới công nghệ; bảo tồn và phát triển làng nghề…); tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số hạn chế, yếu kém, như: Các cơ sở, doanh nghiệp đa phần sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, máy móc thiết bị lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; chưa hình thành được doanh nghiệp đầu mối để thu gom, tiêu thụ sản phẩm; phần lớn các cơ sở, hộ thiếu vốn để mua nguyên liệu, đầu tư máy móc thiết bị nên hiệu quả sản xuất chưa cao, chưa đa dạng hóa ngành hàng. Các cơ sở ngành nghề đầu tư các công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, nên đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh.

Vì vậy, nhiệm vụ giải pháp tới là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên ở cơ sở và nhân dân trong phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; tạo mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung hạn và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới; quan tâm đến việc áp dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao ứng dụng các dây chuyền thiết bị quy mô nhỏ và vừa để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành các sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về ngành nghề nông thôn, thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống…   

                                                                                   NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 1 319
  • Tất cả: 1878618