image banner
Trà Vinh: ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025
Lượt xem: 878
Ngày 11/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 

Cơ giới hóa sau thu hoạch

Ảnh. NN(NN)

 Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; cụ thể: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (GRDP) ngành nông nghiệp đạt trên 2,5%/năm, chiếm 23,75% GRDP toàn tỉnh; cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành: trồng trọt, chăn nuôi chiếm 58,79%, thủy sản chiếm 40,23%, lâm nghiệp chiếm khoảng 1%; tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân 5 - 6%/năm. Giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 145 triệu đồng/ha và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 380 triệu đồng/ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 30% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt đạt từ 15 - 20%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 10%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 10%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 3 - 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Về xã hội, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn khoảng 35%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt từ 50 - 60%; trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 và về môi trường, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt khoảng 20%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch trên 90%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt khoảng 20%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,2% diện tích tự nhiên.

Với các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch như: Cơ cấu theo 03 nhóm sản phẩm (Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương); cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực (Lĩnh vực trồng trọt; lĩnh vực chăn nuôi; lĩnh vực thủy sản; lĩnh vực lâm nghiệp); cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo từng tiểu vùng (Tiểu vùng ngọt; tiểu vùng ngọt hóa; tiểu vùng mặn; tiểu vùng cù lao).

Và các giải pháp chủ yếu, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh nông sản theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đến các ngành, các cấp và người dân; tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư vào kinh tế nông nghiệp; nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với cơ chế thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết tiểu vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm; bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Kế hoạch; phân công nhiệm vụ cụ thể các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

                                                                    NN (NN)  


Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 718
  • Tất cả: 1879261