image banner
Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020
Lượt xem: 967
Trong thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020, về tình hình xây dựng các văn bản thực hiện Chiến lược, hàng năm tỉnh đều tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển phù hợp hơn với nhu cầu thị trường; hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với quy mô lớn, vùng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ góp phần làm tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Mô hình nuôi Dê giống Boer ở Trà Vinh

Về đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và  công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, như: sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ; đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ; đổi mới cơ chế tài chính và thực trạng triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Trong đó, tỉnh đã triển khai 05 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 như: (1) Tiếp nhận các quy trình công nghệ nhân giống và trồng dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy phôi; từ đó, đã cấy phôi và đem thuần dưỡng tại vườn ươm 1.500 cây giống, xây dựng 06 ha mô hình trồng dừa sáp cấy phôi tại  huyện Cầu Kè, cây phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 98%. (2) Thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống và trồng cam sành không hạt chất lượng cao tại Trà Vinh, đã xây dựng nhà lưới 900 m2 tại Trung tâm giống và cung cấp 100 cây S1 cho Trung tâm để thực hiện mô hình sản xuất 100.000 cây giống, mô hình trồng cam sành không hạt sạch bệnh tại huyện Cầu Kè (xã Thông Hòa, Hòa  Ân, Thạnh Phú): 14,9 ha và huyện Châu Thành (xã Lương Hòa A): 5,1 ha. (3) Lai tạo bò lai F1 hướng thịt; nuôi dưỡng bò cái sinh sản với giống bò Brahman nhập nội; thực hiện chuyển giao 80 bò cái giống Brahman cho 28 hộ tham gia dự án trên địa bàn 03 huyện: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang và đã thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ bò thịt 3 giống Chairolais, Red Angus, Red Brahman đối với 320 con bò cái giống lai Sind với tỷ lệ đậu thai 100%. Đến nay, đã sinh ra 393 bê con trọng lượng 28 - 38 kg/con, thích nghi tốt với điều kiện nuôi dưỡng tại địa phương. (4) Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh; kết quả đã đào tạo được 15 kỹ thuật viên và tập huấn cho 100 lượt người dân về kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh và  sản xuất thức ăn cho dê; cũng như triển khai xây dựng được 01 mô hình nuôi dê lai Boer x Bách Thảo với tổng quy mô 200 dê cái Bách Thảo và 20 con dê đực Boer thuần, mô hình được thực hiện tại 19 hộ dân ở huyện Cầu Ngang và Duyên Hải; qua ghi nhận bước đầu, dê lai có trọng lượng tăng trên 15% so với giống dê địa phương và thích ứng tốt với điều kiện nuôi dưỡng của người dân. (5) Mô hình chế biến chả cá chất lượng cao từ nguồn cá tạp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đã chuyển giao và tiếp nhận các quy trình công nghệ và mua sắm các thiết bị nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và đang tiến hành xây dựng mô hình khép kín chế biến surimi và chả cá chất lượng cao quy mô công suất 20 tấn sản phẩm/ngày (bao gồm 18 tấn surimi (chả cá tươi) và 2 tấn chả cá thành phẩm); hiện tại, các mô hình sản xuất trên đang được đơn vị chủ trì dự án theo dõi đánh giá và bước đầu đã tạo thành nơi tìm hiểu để ứng dụng kỹ thuật mới của bà con nông dân; đồng thời, hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai dự án: “Ứng dụng quy trình kỹ thuật  theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Trà Vinh”. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức triển khai và nghiệm thu 03 dự án là (1) Chuyển giao công nghệ nuôi chim yến theo quy mô công nghiệp cho năng suất cao và ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi; đề xuất Đề án định hướng phát triển nghề nuôi chim yến ở tỉnh Trà Vinh, từng bước hình thành một loại hình chăn nuôi mới trên địa bàn tỉnh. (2) Mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trong ao nuôi tôm sú nước lợ và nước mặn tại huyện Duyên Hải gồm có 04 ao nuôi (ao 1 đến ao 4) với tổng diện tích là 14.000 m2, số tôm giống thả nuôi là 110.850 con, mật độ thả nuôi từ 5 - 10 con/m2 và tại huyện Cầu Ngang có 3 ao nuôi (ao 4 đến ao 7) với tổng  diện tích là 11.000 m2, số tôm giống thả nuôi là 136.276 con, mật độ 9 - 14 con/m2. (3) Mô hình trại sản xuất giống cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP tại tỉnh Trà Vinh, kết quả 03 trại đạt tiêu chuẩn Global GAP, truy xuất được nguồn gốc giống để bổ sung hồ sơ nguồn gốc cho các cơ sở ương, nuôi cá thương phẩm đã được chứng nhận Global GAP và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản góp phần tạo việc làm cho người lao động nuôi cá và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Nhìn chung, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ thời gian qua đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học giúp cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế tỉnh  nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. nhiều đề tài, dự án đã có giá trị khoa học rất lớn được ứng dụng vào thực tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và  chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương... Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp từng bước đưa khoa học và công nghệ vào sản  xuất, tạo sản phẩm cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

                                                                                     NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 644
  • Tất cả: 1879448