image banner
Tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu
Lượt xem: 1161

Qua kết quả triển khai và sơ, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày 24/6/2020, BTV Tỉnh ủy Trà Vinh kết luận chỉ đạo một số nội dung về tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu

Theo đánh giá, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2019 đạt 28.175 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2019 đạt 2,26%/năm, chiếm 32% GRDP của toàn tỉnh. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng thủy sản phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác tăng cao qua từng năm. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt năm 2019 đạt 130 triệu đồng, tăng 6,3 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 350 triệu đồng/năm, tăng hơn 100 triệu đồng; các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác được nhân rộng; kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu; tay nghề lao động nông nghiệp ngày càng nâng cao; cơ cấu lao động nông nghiệp chuyển dần sang phi nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Ruộng lúa ở An Trường - Càng Long

Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển 20/21 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã xác định, tạo ra tổng giá trị sản xuất đến năm 2019 đạt 19.660 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; giá trị sản xuất bình quân 01 ha canh tác các sản phẩm chủ lực tăng hơn 1,5 lần so với giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp của toàn tỉnh; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và liên kết lại sản xuất theo chuỗi hàng các sản phẩm nông sản chủ lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường; xây dựng và duy trì được 26 nhãn hiệu nông sản chủ lực tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển đáng kể đến năm 2019 toàn tỉnh có 16.686 ha diện tích sản xuất ứng dụng chiếm 4,5% diện tích sản xuất nông nghiệp; sản xuất và ứng dụng một số công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả đáng kể như nuôi cấy mô thực vật nhân cây giống sạch bệnh (dừa sáp), phân bón nano, hệ thống quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động,...đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người sản xuất tạo được một bước đột phá trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Về xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành trước một năm rưỡi thực hiện mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn được đổi mới đáng kể xanh, sạch và đẹp hơn, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố. Đến cuối năm 2019, có 57/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67,05%, bình quân đạt 16,86 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 197.720 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 87,1%; có 421 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, ấp nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 65,8%; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá đến người tiêu dùng, năm 2019 tỉnh xét công nhận 30 sản phẩm OCOP (3 sản phẩm 4 sao, 27 sản phẩm 3 sao).

Nhìn chung, với kết quả trên thì vẫn còn tồn tại những hạn chế, như sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng và giá trị gia tăng của các loại nông sản chủ lực chưa cao, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng cho nhu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất rất ít; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư; chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Năng suất lao động còn hạn chế, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0...

Vì vậy, có 06 nhiêm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu đơn vị, địa phương về bản chất và xu thế phát triển của kinh tế nông nghiệp, nhất là nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu; về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực; về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; về phát triển mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất một sản phẩm chủ lực; về xây dựng nông thôn mới và rà soát, đánh giá và tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành để triển khai các nghị quyết trên, tiếp tục bổ sung hoặc ban hành mới chính sách để thực hiện 05 nghị quyết trên hiệu quả làm chuyển biến rỏ nét nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.  

                                                                                   NN (NN)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 626
  • Tất cả: 1879430